Người đa cảm/ người thấu cảm là một từ ngữ học thuật tâm lý, có định nghĩa wikipedia. Tôi đã từng đọc cuốn sách như “Nhạy cảm : món quà hay lời nguyền” và hiểu rằng mình chính là một người có độ nhạy cảm rất cao. Và đúng thế nó vừa là món quà, vừa là lời nguyền cho những con người chưa biết rõ mình là ai và mình thuộc về thế giới như nào.
Sau khi dành nhiều thời gian cho bản thân và chữa lành từng vết thương một, tôi rất dễ khóc. Tôi vốn rất dễ cười, rất dễ vui, rất dễ a dua, rất dễ tính. Dường như tôi dễ với mọi thứ và tôi hoàn toàn cũng là một người đa cảm, tôi cảm nhận được từng mức độ cảm xúc khác nhau. Chỉ có điều trước đây tôi dễ buồn nhưng không dễ khóc. Vậy mà ba năm nay cứ như có một công tắc tắt mở nào đó, mà chỉ cần chạm nhẹ vào nó là nước ở đâu tuôn xuống không ngừng.
Nghe một câu nói của thầy Minh Niệm, một pháp thoại thầy Nhất Hạnh, một bài hát về tình yêu, một câu chuyện lịch sử, một thước phim hay về con người, một bức tranh đẹp, một tác phẩm kỳ công và rất nhiều thứ nữa, tôi thấy mình khóc ngon lành, nước mắt rơi tự bao giờ, tôi cảm nhận được như chính những người đang trải qua chuyện đó. Tôi cảm nhận được tình yêu và nỗi đau song hành. Tôi cảm thấy mình đa cảm hơn, mình thổn thức hơn.
Tôi cứ nghĩ là do tôi đã trải qua nhiều tổn thương và nỗi đau nên tôi cảm nhận được sâu sắc về điều đó nhưng thật ra là do tôi đã trở về với chính con người thực sự của mình, một người có tâm hồn đa cảm. Tôi lý giải được nhiều điều hơn, tôi cảm thấy không phải mình yếu đuối mà vì vốn đó là một món quà cho một tâm hồn đa cảm, thấu hiểu và yêu thương. Nhưng tôi cũng sợ sự chìm đắm của mình trong những cảm xúc đó mà vô tình cầm tù bản thân thế nên tôi vừa biết ơn trân trọng về sự đa cảm đó, vừa thận trọng tự vấn tự hỏi và hoá giải lời nguyền đa cảm của chính mình.
Dù sao đi nữa, có một tâm hồn đa cảm thật đáng quý, nó giúp ta yêu thương nhiều hơn, trân trọng trân quý nhiều hơn và đặc biệt không phải mình ta đa cảm vì có cả một cộng đồng những tâm hồn đa cảm ở đó.